Có một sự thật là nếu các bạn đã bước vào môi trường đi làm một vài năm, hay thậm chí là một vài tháng thôi, các bạn sẽ thấy rằng một trong những điều mà chúng ta sẽ quan tâm ít nhất về các đồng nghiệp của mình chính là việc “họ xuất thân từ trường đại học nào”. Thay vào đó, khi bước vào môi trường công sở, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến câu chuyện “Họ có làm được việc không? Họ có được sếp và các đồng nghiệp khác yêu quý không?”
Môi trường đi làm rất khác so với thời đi học, và mọi người sẽ đánh giá chúng ta thông qua những trải nghiệm của chúng ta, và những giá trị mà chúng ta tạo ra, hơn là chỉ đơn thuần đánh giá qua cái mác của trường đại học. Điều này cũng có thể thấy được thông qua xu hướng tuyển dụng các sinh viên mới ra trường hiện nay của ngày càng nhiều công ty.



Tất cả nhà tuyển dụng khi muốn tìm kiếm một ứng viên cho một vị trí công việc trong công ty, họ đều quy ra hai câu hỏi cực kì cơ bản như sau:
1. Cái lợi của ứng viên đó là gì? Năng lực của họ có đáp ứng được nhu cầu công việc? Khả năng hòa đồng của ứng viên với văn hóa công ty là như nào? Họ có ở lâu dài không, hay vào được một thời gian ngắn rồi sẽ có ý định nhảy việc?
2. Chi phí tôi phải bỏ ra? Trạng thái và nhu cầu việc làm của ứng viên là gì? Họ đòi mức lương có cao không? Mức lương mà họ yêu cầu dựa trên cơ sở gì? Do giá trị mà họ từng tạo ra với tổ chức/công ty cũ, hay chỉ đơn giản là do học học trường đại học hàng đầu, và cho rằng vì tôi học nhóm trường Top nên tôi sẽ muốn đòi lương cao?
Khi đó, việc quyết định tuyển một ứng viên đó sẽ vô cùng đơn giản: Cái lợi mà lớn hơn chi phí phải bỏ ra, thì ứng viên đó sẽ được lựa chọn. Chấm hết.
Cái mác của trường đại học không quyết định bất cứ yếu tố nào trong hai câu hỏi trên. Năng lực và trải nghiệm của một ứng viên nhiều khi không đến từ những kiến thức mà họ ngồi học trên giảng đường của ngôi trường đại học mà họ theo học, và nó càng không đến từ mức độ xuất sắc của tấm bằng của họ (tất nhiên, ngoại trừ một số ngành nghề rất đặc thù, liên quan tới chuyên môn nhiều như tài chính, khoa học, kĩ thuật,…) Mà nó lại đến chủ yếu từ những hoạt động, những trải nghiệm của chúng ta trong thời gian còn học đại học của chúng ta.
Cái mác của ngôi trường chúng ta theo học chỉ khởi đầu của một hành trình dài, đừng để nó định nghĩa mình là ai và mình có thể thành công được hay không, cái quyết định chính sẽ là việc “Bạn đã trải nghiệm và tích lũy những điều gì, bạn có năng lực/giỏi ở việc gì, và việc bạn giỏi đó có tạo ra giá trị không?”
Vậy nên, chúng ta hãy đừng giới hạn bản thân ở một ngôi trường nào cả. Miễn là luôn có tinh thần học hỏi và cầu tiến, đâu đâu cũng là trường.